Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

NHẬT KÝ CUỐI CÙNG (31.3.1983)




NHẬT KÝ CUỐI CÙNG
DERNIER JOURNAL
J.KRISHNAMURTI
Thích nữ Tuệ Dung chuyển ngữ
Thích nữ Trí Hải hiệu đính

* * * * * *






Nhật ký cuối cùng là tác phẩm đặc biệt vì được ghi lại từ máy ghi âm do Ngài đọc lúc ở một mình.

Xin được trích từ trang 95 đến 104

Thứ năm, 31 tháng 3 năm 1983


Mưa đã rơi suốt ngày, mây ở thung lũng thật thấp, che khuất các ngọn đồi và dãy núi. Sáng hôm nay trời ủ rũ, nhưng những chiếc lá, những nụ hoa vừa nở và những sinh vật nhỏ bé lại thật sung sức. Mùa xuân đã đến nhưng không khí vẫn còn mhuốm đầy mây và bóng mát. Trời đã mưa hầu như mỗi ngày từ một tháng rưỡi nay; những trận bão và những cơn giông đã phá hủy nhiều ngôi nhà và làm lở đất trên sườn đồi. Khắp dãy đồi đều bị tổn thương rất nặng, có lẽ vùng này luôn phải lãnh chịu số phận oái ăm. Mỗi một mùa đông đều gieo rắc một tai họa khác nhau. Khi thì khô quá mức, khi thì mưa xối xả phá hoại đủ thứ, khi thì dâng những cơn sóng quái ác lên thật cao làm ngập lụt đường sá, như thể không muốn cho mặt đất được tận hưởng vẻ duyên dáng của mùa xuân.

Toàn thể quốc gia là hội trường cho những phát biểu về chiến tranh hạt nhân, người ủng hộ kẻ chống đối. Những chính trị gia bàn chuyện bảo vệ, nhưng có sự bảo vệ nào đâu, hay chỉ là chiến tranh, là sự tiêu diệt hàng triệu con người. Đấy là một tình huống khó khăn, một vấn đề lớn lao mà con người phải đương đầu. Phe này đòi phát triển và bành trướng theo cách của họ, trong khi phe khác lại công kích bằng cách mua bán vũ khí, đặt để những lý thuyết áp bức và xâm chiếm đất đai.

Bây giờ con người tự đặt một câu hỏi mà đáng lẽ họ phải đề ra từ bao nhiêu năm về trước. Suốt cuộc đời, con người luôn chuẩn bị chiến tranh. Sự chuẩn bị cho cuộc chiến này bất hạnh thay lại là khuynh hướng tự nhiên của con người. Sau khi trải qua bao nhiêu thăng trầm, con người tự hỏi bây giờ ta phải làm gì. Trách nhiệm của ta trước vấn đề mà ta luôn phải đương đầu là gì? Đây mới chính là câu hỏi thật sự dành cho nhân loại, chứ không phải suy tính chế tạo những vũ khí tối tân. Bao giờ cũng thế, cứ sau cơn khủng hoảng ta mới tự hỏi phải làm gì. Trước tình trạng như hiện nay, những chính trị gia và quần chúng sẽ quyết định nhân danh niềm tự hào quốc gia hay chủng tộc, nhân danh quê cha đất tổ cùng những khái niệm tương tự.

Câu hỏi được đặt ra quá trễ. Cho dù các phương cách có được tức tốc đưa ra đi nữa, thì vấn đề thật sự của chúng ta là: có thể nào chấm dứt tất cả hiềm khích, chứ không chỉ chấm dứt cuộc chiến này hay tranh chấp nọ, cho dù đấy là chiến tranh hạt nhân hay cổ điển? Ta cũng cần có ý thức để tìm ra nguyên nhân của chiến tranh. Khi chưa tìm ra nguyên nhân để giải quyết, thì chúng ta vẫn còn bị kẹt vào thói cũ là tiếp tục đường lối chiến tranh cổ điển hay hạt nhân, và con người sẽ tiêu diệt lẫn nhau.

Chúng ta hãy họp nhau lại để đặt vấn đề nguyên nhân sâu xa căn bản của mọi cuộc chiến tranh. Ta phải tìm cho ra những nguyên nhân căn đế chứ không phải những nguyên nhân bịa đặt, sặc mùi lãng mạn, yêu tổ quốc hay gì gì đó. Ta phải hiểu lý do vì sao con người sắp đặt các cuộc tàn sát hợp pháp. Khi ta còn chưa tìm ra câu trả lời thì chiến tranh cứ còn tiếp diễn. Nhưng ta đã không coi trọng vấn đề này, ta không để hết tâm trí vào việc tìm kiếm nguyên nhân. Ngoài cái đang xảy ra bây giờ, cái tranh chấp hiện tiền, nỗi khủng hoảng đương thời, ta không thể nào cùng nhau tìm ra những nguyên nhân thật sự của mọi chiến tranh, đưa chúng ta ánh sáng để giải trừ chúng hay sao? Muốn làm thế ta cần phải tha thiết tìm cho ra sự thật.

Câu hỏi quan trọng là, đâu là nguyên nhân của sự chia rẽ - người Nga, người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Đức, v.v. Tại sao phải chia rẽ người với người, giòng giống với giống nòi, văn hóa với văn hóa, lý thuyết với lý thuyết? Tại sao? Tại sao lại có sự chia rẽ? Người ta đã chia đất đai phân biệt xứ sở của anh, xứ sở của tôi, vì sao vậy? Phải chăng vì một thứ mà ta nghĩ là sẽ bảo vệ mình, đem lại an ổn cho mình, tức sự bám víu vào một nhóm riêng biệt, vào một niềm tin, một tín ngưỡng? Nhưng các tôn giáo cũng đã chia rẽ chúng ta, cũng đã khiến con người chống lại nhau, nào là những người Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do-thái, v.v. Chủ nghĩa quốc gia và lòng yêu nước chỉ là một hình thức biểu dương và tự tôn của hệ thống bộ lạc. Cộng đồng các ngôn ngữ, các khuynh hướng, các hệ thống chính trị và tôn giáo đều hiển lộ tính sở hữu trong tất cả các bộ tộc dù lớn dù nhỏ. Ấy thế mà người ta lại cảm thấy được an ổn, được bảo vệ, được hạnh phúc, được vỗ về. Và để có được niềm an ổn, chỗ nương tựa ấy, con người sẵn sàng giết người khác - những con người cũng như chính họ, đang thèm được bình an, được bảo vệ, được thuộc về một cái gì. Nỗi ao ước mãnh liệt phân chia con người thành đoàn nhóm cùng một màu cờ, cùng một nghi thức tôn giáo v.v... đã gây cho chúng ta cái cảm giác muốn có gốc có nguồn để khỏi trở thành những kẻ không nhà lang thang. Ai cũng muốn tìm kiếm cội nguồn của mình cả.

Chúng ta cũng đã chia thế giới thành những khu vực kinh tế với tất cả những rắc rối của chúng. Công nghiệp nặng có lẽ là một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh. Khi công nghiệp và kinh tế liên hệ chặt chẽ đến chính trị, thì chúng chỉ còn có thể duy trì một sinh hoạt riêng biệt hầu bảo tồn sức mạnh của chúng. Hầu hết các quốc gia mạnh hay yếu đều phải làm như thế. Những tiểu quốc được các cường quốc trang bị vũ khí. Việc này được làm âm thầm cho một số quốc gia này và công khai cho một số quốc gia khác. Tất cả những sự khốn cùng, thống khổ và lãng phí khủng khiếp và vũ khí phải chăng bắt nguồn từ niềm kiêu hãnh, nỗi tham vọng thắng lướt các quốc gia khác?

Đây là phần đất của chúng tôi chứ không phải của các anh, của tôi chứ không phải của nó. Chúng tôi có mặt ở đây để sống và giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải để hại nhau. Đây không phải là một tư tưởng lãng mạn, mà là một thực tế. Thế nhưng con người đã phân chia đất đai với hy vọng tự mình tìm thấy bình an hạnh phúc, một niềm vui lâu dài. Bao lâu chưa có sự thay đổi căn bản xóa bỏ các quốc gia, các lý thuyết và các chia rẻ tôn giáo để lập nên mối liên hệ khắp toàn cầu - trước nhất về nội tâm và tâm lý, rồi đến hình thức bên ngoài - thì chúng ta cứ còn tạo ra chiến tranh. Nếu bạn làm người khác đau, nếu bạn giết họ vì sân si hay do sắp đặt gọi là chiến tranh, thì tức là bạn - người đại diện cho nhân loại chứ không phải một cá nhân riêng biệt - đã gây chiến với những người còn lại, và thế là bạn tự hủy hoại mình.

Đây là vấn đề chính, vấn đề nòng cốt mà ta cần hiểu và giải quyết. Bao lâu chúng ta còn chưa dấn mình vào việc xóa bỏ sự phân chia quốc gia, kinh tế và tôn giáo thì ta còn kéo dài cuộc chiến và còn phải chịu trách nhiệm về tất cả các hình thức chiến tranh dù hạt nhân hay cổ điển.

Đây là một câu hỏi thật quan trọng và khẩn cấp: con người, tức là bạn, có thể nào tự mình dẫn dắt sự thay đổi ấy, chứ không phải nói là: "Nếu tôi thay đổi thì có gì xảy ra không? Có tí hiệu quả nào không, hay chỉ như một giọt nước rơi vào biển cả? Thay đổi để làm gì?" Đây là một câu hỏi sai lầm, nếu ta được phép nói vậy. Câu hỏi sai vì bạn là người của nhân loại. Bạn là thế gian, không tách khỏi thế gian. Bạn không phải là người Mỹ, người Nga, người Ấn hay người Hồi. Bạn không lệ thuộc và những nhãn hiệu và ngôn từ ấy, bạn là người của nhân loại vì ý thức và hành động của bạn giống như ý thức và hành động của tất cả mọi người. Có thể bạn nói một ngôn ngữ khác, sống theo một phong tục khác, đấy là nền văn hóa cạn cợt - hình như tất cả các nền văn hóa đều vậy - nhưng ý thức, hành động, đức tin, niềm tin, lý thuyết, mối sợ hãi và cơn khắc khoải, nỗi cô đơn, nỗi buồn và niềm vui của bạn đều giống như của nhân loại. Sự thay đổi của bạn sẽ kích động toàn thể nhân loại.

Trong sự tìm kiến nguyên nhân chiến tranh, ta cần xem xét sự kiện này. Chiến tranh chỉ có thể được hiểu rõ và được trừ khử một khi chính bạn và tất cả những ai lo lắng về sự sống còn của con người, đều cảm thấy mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự tàn sát kẻ khác. Cái gì làm bạn thay đổi và ý thức được tình trạng kinh khủng mà ta đã gây ra hiện nay? Cái gì làm bạn gạt qua mọi phân chia tôn giáo, quốc gia hay đạo đức? Cần thêm đau khổ chăng? Nhưng đau khổ đã tiếp diễn từ bao nhiêu ngàn năm mà con người có thay đổi chút nào đâu; họ vẫn cứ lệ thuộc vào một truyền thống ấy, với kiểu sống bộ lạc, phân chia tôn giáo thành "Thượng đế của tôi" và "Thượng đế của anh".

Các Thượng đế và những người nhân danh Thượng đế đều là những sáng kiến của tư tưởng; họ không có thật trong đời sống hàng ngày. Phần lớn các tôn giáo đều tuyên bố là tội lỗi lớn nhất là giết hại con người. Người Ấn giáo và Phật giáo đã nói điều này trước người Thiên chúa giáo rất lâu. Ấy thế mà dù có tin Chúa hay tin vào một đấng cứu rỗi nào, con người vẫn cứ tiếp tục sát sanh. Bạn có thay đổi nếu được thưởng lên thiên đang hay bị đọa xuống địa ngục không? Điều này cũng đã được ban tặng cho con người. Và cũng đã thất bại. Không có một quyền lực bên ngoài nào, như các bộ luật hay các hệ thống chẳng hạn, ngăn trở được con người tàn sát lẫn nhau. Các cuộc chiến cũng sẽ không dược trừ khử bởi những tín ngưỡng tri thức hay lãng mạn. Chúng chỉ chấm dứt khi chính bạn cũng như toàn thể nhân loại nhận ra rằng tất cả các hình thức chia rẽ đều làm nhân cho hiềm khích. Điều này sẽ lan rộng hay bị thu hẹp lại, nhưng mối bất hòa và nỗi đau đớn chắc chắn sẽ có mặt. Do đó bạn phải chịu trách nhiệm không những với những đứa con của bạn mà của tất cả nhân loại nữa. Khi mà bạn còn chưa hiểu điều này thật rõ ràng chứ không phải qua ngôn từ, bằng ý tưởng hay bằng nhận thức đơn giản, khi mà bạn không thấm thía điều này vào tận xương tủy, vào lối nhìn về cuộc đời, vào những hành động của mình, thì bạn vẫn cứ duy trì cuộc tàn sát có tổ chức gọi là chiến tranh. Trước mối nguy cấp này, sự nhận thức quan trọng hơn là câu trả lời.

Thế giới này bệnh hoạn quá và không có một quyền năng nào ở ngoài để giúp đỡ. Chỉ có bạn mà thôi. Chúng ta đã có những nhà lãnh đạo, những chuyên gia, đủ loại viên chức bên ngoài, có cả Chúa nữa: nhưng không có một hiệu quả nào cả; những vị này không ảnh hưởng tí nào đến trạng thái tâm lý của chúng ta. Họ không thể hướng dẫn ta. Không một nhà chức trách hay một bậc thầy nào có thể làm bạn tăng sức mạnh nội tâm, hay ban cho bạn một tâm lý chững chạc hoàn toàn. Khi bạn còn chìm đắm trong mớ rối ren thì nhà của bạn không được gìn giữ đàng hoàng, bạn phải tạo nên một nhà tiên tri từ bên ngoài, nhưng nhà tiên tri này lại luôn làm bạn lạc hướng. Nhà của bạn bừa bãi quá và không có ai trên trái đất hay trên trời có thể sắp xếp nó lại cho ngăn nắp. Khi mà bạn còn chưa hiểu bản chất của rắc rối, bản chất của hiềm khích và chia rẽ, thì chính bản thân bạn luôn bị lộn xộn, nghĩa là luôn ở trong chiến tranh.

Điều cần biết không phải là xem quốc gia nào mạnh nhất về vũ khí, mà là thấy rằng con người chống lại con người. Con người ấy đã dựng lên những lý thuyết chống trái nhau. Bao lâu những tư tưởng, lý thuyết ấy còn tồn tại và con người chưa gánh lấy trách nhiệm về người khác, thì không có hòa bình thật sự trên đời.



2 nhận xét:

  1. Khi mà bạn còn chưa hiểu bản chất của rắc rối, bản chất của hiềm khích và chia rẽ, thì chính bản thân bạn luôn bị lộn xộn, nghĩa là luôn ở trong chiến tranh.

    Điều cần biết không phải là xem quốc gia nào mạnh nhất về vũ khí, mà là thấy rằng con người chống lại con người. Con người ấy đã dựng lên những lý thuyết chống trái nhau. Bao lâu những tư tưởng, lý thuyết ấy còn tồn tại và con người chưa gánh lấy trách nhiệm về người khác, thì không có hòa bình thật sự trên đời.

    Trả lờiXóa
  2. Mọi việc đều nắm trong sự xung đột tham sân si

    Trả lờiXóa